Bình luận – 

0

Discussion – 

0

CHẤN THƯƠNG ĐÃ LÀM TÔI THAY ĐỔI NHƯ THẾ NÀO

CHẤN THƯƠNG ĐÃ LÀM TÔI THAY ĐỔI NHƯ THẾ NÀO

CHẤN THƯƠNG ĐÃ LÀM TÔI THAY ĐỔI NHƯ THẾ NÀO

Stefanie Flippin là một runner ưu tú, huấn luyện viên và là bác sỹ chuyên ngành chấn thương thể thao. Bài viết dưới đây chia sẻ quá trình chữa lành chấn thương của chính cô với lòng biết ơn chân thành.

Trong vòng 11 năm qua, tôi may mắn chưa từng bị gạt bên lề môn thể thao mình yêu thích vì chấn thương.

Tôi biết đó là một đặc ân hiếm có đối với một chân chạy đường trường, có cuộc sống xoay quanh những đường mòn và những cuộc chạy ultra. Tôi có đôi chút tự hào về sức bền của mình và tin rằng sức bền đó được tạo nên bởi chế độ ăn uống và luyện tập hợp lý, khoa học. Mối quan hệ giữa tôi với chạy bộ khá lành mạnh, tôi chạy vì thích thay vì nghiện chạy để tìm cảm giác hạnh phúc. Đôi khi, tôi thấy mình bất khả chiến bại với những chấn thương, bệnh tật đã hạ gục rất nhiều người thân, bạn bè xung quanh, như thể tôi có một bộ giáp nào đó che chắn khỏi những nguy cơ.

Mùa hè năm 2022, tôi dốc toàn lực luyện tập cho Javelina Jundred, một cuộc đua 100 dặm qua sa mạc ngay bên ngoài Phoenix, Arizona. Bước vào mùa thu, tôi thừa nhận đã nghiêng về hướng “tập càng nhiều càng tốt”, dù đó không phải là điều tôi khuyến khích các vận động viên của mình thực hành, với tư cách là một bác sỹ chuyên ngành thể thao và huyến luyện viên. Tôi cho rằng trường hợp của mình có chút khác biệt, tôi đã tích lũy được nhiều dặm chạy và độ cao đáng kể trước đó, cộng với sự tự tin vì chưa từng chấn thương…

Sự khác biệt giữa mùa thu năm nay và những mùa trước là mức độ căng thẳng, về mặt thể chất, tôi luyện tập tăng vọt, về mặt tâm lý, tôi đang đối mặt với sự mất mát người thân sắp xảy ra.
Và rồi, có một dấu hiệu chấn thương thể chất đang hình thành. Cơ mông mất đi sức mạnh, căng mô mềm phía đối diện, mệt nhọc, nặng nề. Thời điểm người thân qua đời, cũng là lúc cơn đau ở cổ xương đùi xuất hiện và tăng dần lên cùng với cơn đau ở tim. Tôi biết rằng tốt hơn ngồi lại xem xét những dấu hiệu.

Kết quả chụp MRI cho thấy phản ứng căng thẳng giữa đốt chuyển nhỏ và cổ xương đùi hình thành một đường gãy có thể nhìn thấy. Chấn thương đầu tiên của tôi sau 11 năm – chấn thương cổ xương đùi. Kết quả chẩn đoán như cú đấm vào bụng.

Phần nào đó trong tôi cảm thấy xấu hổ và tội lỗi phi lý, sau đó là cảm giác bối rối vì sự xấu hổ và tội lỗi đó. Thật khó giải thích tại sao những cảm xúc này lại lấn át nhau nhanh chóng như vậy. Bộ áo giáp bảo vệ tôi khỏi những nguy cơ đã vô tác dụng, một chuyên gia về chấn thương, vẫn không thể tránh khỏi chấn thương…

Dù sao đi nữa, tôi buộc phải đối diện với thực tế phũ phàng là sẽ ngưng chạy trong vòng vài tháng tới, và một tương lai không đoán định trước khi nào sẽ quay trở lại đường trail. Từ một người luôn chủ động trong việc lên kế hoạch, luyện tập theo đúng kế hoạch và tự tin với con đường vạch ra, tôi bây giờ chỉ biết ngồi đợi chờ những nguyên bào xương từ từ hoàn thành tiến trình tự chữa lành của chúng, và đợi đến khi cơn đau được kiểm soát, trước khi bắt đầu luyện tập chéo.

Tôi nhanh chóng nhận ra mình chỉ có hai lựa chọn: chìm đắm trong nỗi đau buồn thất vọng hoặc chấp nhận và quan sát nỗi đau như một thử thách cần phải đi qua để trở thành một vận động viên/huấn luyện viên khôn ngoan hơn. Và rồi sau khoảng thời gian đầu tiên khủng hoảng và ôm ấp nỗi đau, tôi đã quyết định trở thành học trò của môn thể thao này một lần nữa.

Nếu tôi đã học được gì trong khoảng thời gian chấn thương, thì đó chính là sự thông minh bẩm sinh của cơ thể con người, cơ thể có thể tự chữa lành theo rất nhiều phương cách khác nhau. Với tôi, đó là sự nghỉ ngơi.

Không phải là tôi hoàn toàn biết ơn về chấn thương, nhưng một phần nhỏ của tôi thực sự là như vậy. Nhìn lại hơn một thập kỷ qua, tôi đã xem cơ thể mình là một điều hiển nhiên, tôi kỳ vọng cơ thể của mình đáp ứng được mục tiêu tôi đề ra hơn là tự hào về những khả năng đó của cơ thể. Nhìn lại, tôi thấy vui vì cơ thể đã nhấn còi báo động khi những yếu tố gây căng thẳng đã vượt quá giới hạn thể chất và tinh thần, để tôi nhận ra mình sẽ không đủ khả năng xử lý căng thẳng đó nếu không buông chúng xuống, trong một lúc.
Chấn thương là một bước lùi, cũng là một bước khởi động lại, chứ không phải là kết thúc cuộc chơi.

Sau chín tuần xa cách, tôi trở lại với những bước chạy đầu tiên có phần lúng túng, nhưng rồi cơ thể nhanh chóng trở về thói quen ngày cũ, nhớ lại những dặm đường đi qua trong nhiều năm. Lòng tôi tràn đầy cảm giác biết ơn khi bước chân đi qua con đường quanh co quen thuộc, có chút bất ngờ về cảm giác nhẹ nhõm sâu sắc, bình yên khi trở về nhà – trở về với cơ thể và một lần nữa tin vào sự kỳ diệu của cơ thể mình.

Tôi ước gì có thể diễn tả lòng mình với người thân yêu đã mất về cuộc chạy này, về cảm giác gió lùa trong tóc…Nhưng tôi nghĩ cô ấy đã biết rồi, vì cô ấy cũng là cơn gió. Hành trình chữa lành cả thể chất lẫn tinh thần đã cho tôi thời gian nhìn lại và khiêm tốn nhận ra, tất cả chúng ta là con người, dễ tổn thương và hữu hạn…

Tôi thở ra một hơi khi cho phép sải chân của mình mở rộng trên chặng đường cuối cùng trở về nhà, biết rằng tôi sẽ không bao giờ xem cơ thể này, bước chạy này là một điều hiển nhiên nữa…

Source: https://www.trailrunnermag.com/training/trail-tips-training/how-i-found-gratitude-in-injury/

Các bài khác

Contact